Những cuộc vui không cồn vẫn “tới bến, tới bờ” của gen Z
“Tối nay, 21h, quán cũ nhé anh em”, thông báo tin nhắn làm sáng lên màn hình điện thoại của Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên năm 3 của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Đúng giờ hẹn, Hùng và những người bạn của mình tập trung tại địa chỉ quen thuộc: Một quán cà phê nhạc sống. Xung quanh nhóm bạn, những chiếc bàn cũng không còn chỗ trống. 80% khách hàng cũng là gen Z.
“Với tôi, một tuần chỉ cần một buổi như thế này là đủ để “chữa lành” và nạp năng lượng cho tuần mới”, Hùng chia sẻ.
Không lựa chọn những cuộc nhậu như: bố, anh trai hay nhiều người thế hệ trước, Hùng cho biết mình cũng như nhiều bạn trẻ gen Z có cách tụ tập, giải trí “lành mạnh” hơn.
“Mình rất hay đi cà phê, chủ yếu là để thư giãn đầu óc, gặp bạn bè hoặc chụp hình. Ngoài ra bọn mình cũng thường đến các quán vỉa hè. Dạo gần đây thường là cà phê nhạc sống”, Hùng kể, phân tích thêm rằng giới trẻ hiện nay có đủ các kiểu giải trí “không cồn”.
Thả hồn trong những bài hát thịnh hành được các ca sĩ trẻ thực hiện và thưởng thức đồ ăn vặt, bánh ngọt, nước uống pha chế. Đó là những yếu tố tạo nên một buổi “xả stress” của Hùng và các bạn.
Đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của giới trẻ, quán cà phê kết hợp với các loại hình giải trí khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều như: cà phê thú cưng, cà phê workshop (hoạt động giáo dục về kiến thức, kỹ năng), cà phê sách hay cà phê boardgame (trò chơi cờ bàn),… thu hút đông đảo sự quan tâm, yêu thích của các bạn trẻ.
“Rượu bia không phải là cách giải trí phổ biến đối với chúng tôi”, Ngọc Trung, một nhân viên marketing sinh năm 2000 chia sẻ.
Trung cũng cho biết, một điều may mắn là hiện nay có rất nhiều loại hình giải trí mới mẻ, giúp đảm bảo yếu tố xả stress và đem đến niềm vui, sự phấn khích cho bản thân, cũng như cơ hội tụ tập bạn bè.
“Tùy vào mức chi trả cũng như thời gian trống hay sở thích, có vô số các cách giải trí “kiểu mới” để chúng tôi lựa chọn. Có thể chỉ đơn giản là tụ tập chơi boardgame tại một quán cà phê, tham gia một buổi workshop vẽ tranh hay làm gốm trong vài giờ đồng hồ. Xịn hơn là đi xem trình diễn ca nhạc của các thần tượng…”, Trung nêu quan điểm.
Theo Forbes, thế hệ gen Z ngày nay uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ gen Y. Nghiên cứu cũng chỉ ra, khoảng 86% người tiêu dùng gen Z chú trọng đến sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất của họ đối với việc cân nhắc sử dụng rượu, bia.
Làn sóng chất kích thích mới
Gen Z dần quay lưng với rượu bia. Bên cạnh những cách “chuyển dịch” tích cực, trong giới trẻ vẫn tồn tại biện pháp thay thế rượu bia bằng “thú vui” khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Một nhóm học sinh, đôi khi còn đang đeo khăn quàng đỏ tụ tập tại quán nước ven đường, liên tục phì phèo thuốc lá điện tử. Đây là hình ảnh không khó để bắt gặp trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Thuốc lá điện tử là một loại chất gây nghiện mới nhưng nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Thuốc lá điện tử còn trở thành một biểu tượng cho sự “sành điệu”, “chất chơi” của một bộ phận giới trẻ. Thậm chí, không ít người trẻ đeo sản phẩm này trên người như một loại trang sức.
“Bạn bè tôi cứ 10 người, lại có đến 6 người hút thuốc lá điện tử. Chỉ một tháng sau lần đầu tiên mang pod (một loại thuốc lá điện tử) đến công ty, tới nửa anh em trong phòng cũng hút theo.
Cứ tò mò mượn pod của nhau dùng thử, rồi dần ai cũng quen với việc dùng pod”, Đức (tên nhân vật đã được thay đổi), một nhân viên văn phòng gen Z tại Hà Nội, chia sẻ.
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cảnh báo, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.
“Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ”, bà Hải nhận định.
Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 120 ca nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Nhiều ca bệnh là người trẻ.
Đáng nói, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử.
Trong tháng 12/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, trong đó có cả học sinh cấp 2, cấp 3, không có bệnh mạn tính vào viện vì tình trạng viêm phổi.
Đa số đều liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử. Điển hình là bệnh nhân nam 16 tuổi vào viện vì đau tức ngực, ho khạc đờm và khó thở khi gắng sức.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Những bữa tiệc tràn ngập “chất cấm”
Cũng là uống rượu bia nhưng không phải là quán nhậu truyền thống, một bộ phận gen Z hiện nay lựa chọn các quán bar, pub, hộp đêm. Đáng chú ý, đồ uống có cồn chỉ đóng vai trò như là “món khai vị”, chất dẫn. Thứ đẩy “cuộc vui” lên cao độ lại là bóng cười, shisha và các loại chất kích thích khác.
Sau vài ba cốc rượu mạnh, nhóm bạn trẻ hai tay bắt đầu vung vẩy theo điệu nhạc trong không trung, trên miệng là một quả bóng cười. Đây là cách mà Hiếu (tên nhân vật đã được thay đổi), 24 tuổi, cùng các đồng nghiệp trong cơ quan lựa chọn để “tới bến, tới bờ” trong những buổi tổng kết.
Là một start-up, Hiếu cho biết công ty với 90% nhân sự sinh năm 2000 đổ về sau, nên bar, pub là nơi tụ họp quen thuộc vì “hợp gu giới trẻ” hơn.
Bóng cười, một quả bóng bay bình thường nhưng được bơm khí N2O, còn được gọi là khí gây cười, khí vui. Khi người dùng hít quả bóng này, khí N2O lan tỏa, tạo cảm giác phấn khích, tê dại tâm trí và gây cười.
“Tùy vào kích thước, bóng cười có giá dao động 200.000-300.000 đồng/quả. Cũng có nơi bán với giá rẻ hơn là dưới 100.000 đồng/quả. Trong vòng 2 tiếng, một người có thể dùng 7-8 quả bóng, vì hít xong một quả bóng rất nhanh, chỉ mất 10-15 phút”, Hiếu cho hay.
Mỗi bữa tiệc “no nê” chất kích thích như vậy tiêu tốn gấp 5, thậm chí gấp 10 lần một bữa nhậu thông thường. Tuy nhiên, theo Hiếu, giới trẻ ngày nay sẵn sàng chi mạnh tay cho những cuộc vui này.
“Chúng tôi ưa chuộng bóng cười một phần vì tránh được các vấn đề thường gặp khi uống nhiều rượu bia như: mệt mỏi, đau nhức đầu kéo dài sang ngày hôm sau hay tăng cân, bụng bia”, Hiếu nêu quan điểm.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân điều trị tình trạng ngộ độc liên quan đến bóng cười ngày càng tăng.
Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, tại nhiều bệnh viện trên cả nước cũng đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân nhập viện liên quan đến việc sử dụng bóng cười.
Theo chia sẻ của ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, nhiều bệnh nhân hút bóng cười khi vào viện đã bị tổn thương thần kinh.
Điển hình như trường hợp cô gái 20 tuổi, sống tại Hà Nội được gia đình đưa vào bệnh viện vì tê yếu tay, mất cảm giác chân nhiều ngày.
Nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương nội sọ vì gần đây tình trạng nhồi máu não ở người trẻ tăng cao, BS Mạnh cho cô gái chụp MRI sọ não.
Kết quả sọ não không thấy bất thường nhưng tủy cổ C2-C7 lại bị tổn thương. Qua khai thác bệnh sử, cô gái cho biết không sử dụng bất kỳ chất kích thích nào.
“Tuy nhiên, sau khi chúng tôi mời phụ huynh ra ngoài và hỏi kỹ, bệnh nhân mới dám chia sẻ đã sử dụng bóng cười (chứa khí N2O) trong 3 năm gần đây. Thậm chí có tuần bệnh nhân sử dụng bóng cười 3 buổi”, BS Mạnh cho hay.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng từng tiếp nhận một nữ học sinh 15 tuổi được gia đình đưa đến trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân tê bì, yếu dần, đi lại khó khăn kèm theo sụt cân nhiều.
Trước đó, cô gái đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả. Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ.
Bộ Y tế nhấn mạnh, lạm dụng thường xuyên khí N2O (chất có trong bóng cười) có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não.
Ma túy thâm nhập vào những “cuộc vui” của giới trẻ cũng là một thực trạng đáng báo động.
Ngày 26/6, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một trường hợp nam sinh viên 20 tuổi. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương tim, não. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng phát hiện có cần sa tổng hợp.
Bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh về ngộ độc ma túy ở giới trẻ. “Thủ phạm” là các dạng biến thể mới của ma túy như: bóng cười, cỏ Mỹ, tem giấy,… xuất hiện ngày càng nhiều. Các bệnh nhân nhập viện cấp cứu ở các độ tuổi rất khác nhau, nhưng chủ yếu là người trẻ.
Theo Công an TPHCM, ma túy xâm nhập vào giới trẻ, học đường bằng nhiều hình thức tinh vi, “núp bóng” dưới mác thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… Trong đó, có thể kể đến các loại như bánh lười, nước vui, bột trà sữa, ma túy tem giấy, kẹo…
Source link
BS Trần Minh Tuấn, chuyên gia hàng đầu trong ngành chăm sóc sức khoẻ. Hiện tôi đang công tác tại phòng khám Đa khoa Minh Thịnh và là người sáng lập, quản lý chuyên môn trang sức khoẻ Bác sĩ Alo. Với tâm niệm mang đến “Món quà tặng cho sức khoẻ” tôi cùng đôi ngũ y bác sĩ luôn luôn lắng nghe và thấu thiếu mong muốn và giúp mọi người có sức khoẻ tốt nhất.