Các triệu chứng của bệnh đột quỵ, xử trí ban đầu như thế nào?

photo1609298217582 16092982178541898530668

Đột quỵ là bệnh rất nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời , trung bình cứ 3-5 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Vậy đột quỵ là gì? Các triệu chứng của bệnh đột quỵ? Dấu hiệu đột quỵ bao gồm những gì? Hãy cùng tìm tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Các triệu chứng của bệnh đột quỵ
Các triệu chứng của bệnh đột quỵ

1 Bệnh đột quỵ là gì?

Đột quỵ là một căn bệnh cấp tính. Đột quỵ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch khiến dòng máu lên nuôi não bị ngưng trệ, không tuần hoàn. Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào trong não sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến cho người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong.

Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết

* Đột quỵ do thiếu máu cục bộ:

– Gây ra bởi tắc nghẽn động mạch, chiếm khoảng 85% trường hợp đột quỵ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng.

–  Đột quỵ do huyết khối: Tắc nghẽn do hình thành các cục máu đông hoặc do mảng bám tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não.

– Đột quỵ do tắc mạch: Các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể, thường gặp nhất là tim. Sau đó, di chuyển đến não và gây tắc nghẽn.

* Đột quỵ do xuất huyết :

– Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua thường gọi là đột quỵ nhỏ bởi những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, kéo dài khoảng vài phút.

2 Các triệu chứng của bệnh đột quỵ

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm các yếu tố không thể thay đổi và các yếu tố bệnh lý.

2.1 Các yếu tố không thể thay đổi

– Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới

– Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

2.2 Các yếu tố bệnh lý

– Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.

– Đái tháo đường: Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

– Hút thuốc: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch

– Lối sống không lành mạnh: ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

– Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường

– Cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não.

– Mỡ máu: Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.

– Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu…

3 Điều trị và biến chứng sau đột quỵ

Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào chết càng nhiều, khả năng vận động và tư duy của cơ thể càng bị ảnh hưởng, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu y tế, chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.

* Điều trị:

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ: Thời gian vàng được hiểu là thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.

– Từ 4 đến 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông.

– Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.

Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các can thiệp y học cần thiết để cứu sống bệnh nhân và hạn chế tàn tật sau hồi phục.

Bệnh nhân đột quỵ cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, tránh lỡ thời gian vàng khiến tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao.

*  Sơ cứu tại nhà cho người có dấu hiệu đột quỵ:

– Không để người bệnh té và gọi xe cấp cứu ngay lập tức.

– Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn để bảo vệ đường thở và an toàn cho người bệnh.

– Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, phản ứng của bệnh nhân như suy giảm ý thức, nôn mửa…

– Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, đánh gió, châm cứu.

– Không cho bệnh nhân ăn uống vì có thể gây hít sặc chất nôn vào đường hô hấp, tắc đường thở, rất nguy hiểm.

– Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

* Biến chứng:

– Nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang.

– Tay chân bị co cứng, khó vận động.

– Viêm loét do mất khả năng vận động, phải nằm liệt giường trong thời gian dài.

– Phù nề não.

– Đau tim: Xơ vữa động mạch, động mạch bị xơ cứng, thu hẹp làm tăng nguy cơ đau tim.

– Động kinh: Người bệnh xuất hiện các cơn co giật do hoạt động của não không ổn định sau đột quỵ.

– Suy giảm chức năng nhận thức.

– Mất chức năng ngôn ngữ đột ngột.

4 Dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:

– Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

– Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

– Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

– Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

– Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ

– Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn

5 Cách phòng tráng đột quỵ hiệu quả

– Thức ăn phải dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như: súp, cháo, sữa. Cần phân bố đều 3

– 4 bữa/ngày. Không nên ăn quá no.

– Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như: gia vị cay nóng, rượu chè, cà phê.

– Khẩu phần ăn cần giảm nước: do bệnh nhân không bài tiết được nhiều nước và muối vì bị tụ máu ở tĩnh mạch gây phù, chức năng thận kém. Nếu bệnh nhân suy tim thì lượng nước đưa vào cơ thể phải phụ thuộc vào lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ.

– Giảm muối trong khẩu phần ăn: hạn chế muối ở mức độ 4 – 5g/ngày để giảm phù, giúp thận bài tiết các chất đào thải của chuyển hóa đạm, chất béo, tinh bột, đường. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như: dưa cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích.

– Năng lượng trong khẩu phần  nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tuần hoàn và tiêu hóa. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở  30 – 35 Kcalo/kg cân nặng/ngày. Nguồn năng lượng nên lấy từ khoai củ, cơm mì bún miến, đậu đỗ.

6 Nhu cầu dinh dưỡng cụ thể

Chất đạm: Chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật: các loại đậu như đậu tương, đậu phụ. Chọn lọc đạm động vật: cá biển, thịt nạc, sữa gầy. Nếu bệnh nhân có suy thận kèm theo thì nên giảm lượng đạm đưa vào, chỉ còn 1/2 lượng đạm trên.

Chất béo: 25 – 30g/ngày. Trong đó 1/3 là chất béo động vật, 2/3 còn lại là chất béo thực vật. Ngoài ra các axít béo trong dầu thực vật có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ tái phát đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.

Chất khoáng: có trong rau củ, các loại hoa quả chín. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp và chống lại tình trạng toan của cơ thể.

Vitamin: tăng cường vitamin C. Dùng axít folic ít nhất 300mcg/ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ, và 13% nguy cơ bệnh tim so với liều <135mcg ngày. Axít folic chống xơ vữa động mạch, hạ huyết áp và giảm mỡ máu. Axít folic có nhiều trong gan, các loại quả có vị chua, rau lá có màu xanh đậm, các loại đậu.

Các loại rau, rau không chứa tinh bột: bông cải xanh, cải bó xôi, nấm hành tây, tỏi, cà tím. Chúng giàu vitamin, muối khoáng và chất xơ. Chất xơ chống táo bón, giảm rặn khi đại tiện. Mỗi ngày ăn 3 suất. Mỗi suất rau cung cấp 5g chất xơ.

7 Cách phòng tránh đột quỵ

7.1 Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần, 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp giảm huyết áp và phòng ngừa đột quỵ.

7.2 Thay đổi lối sống

– Cân bằng giữa công việc, giảm bớt stress, nóng giận.

– Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, nhất là trong thời điểm giao mùa.

– Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên tắm đêm, thức quá khuya.

 

7.3 Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 – 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

Phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Vì vậy, khi có các triệu chứng bất thường nghi ngờ là dấu hiệu đột quỵ, cần đưa người bệnh tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay lập tức.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhất nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp chủ động để điều trị và hướng dẫn phòng ngừa bệnh hiệu quả.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *